Hôm nay chúng tôi xin Chia sẻ về đặc điểm của kế toán bán hàng đến với mọi người để hiểu rõ hơn và chi tiết hơn kế toán bán hàng. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết nhé!
Bán hàng là việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho khách hàng, doanh nghiệp thu được tiền hay được quyền thu tiền. Đó là sự trao đổi mua bán có thỏa thuận, doanh nghiệp đồng ý bán và khách hàng đồng ý mua. Hàng hóa đem tiêu thụ có thể là thành phẩm, lao vụ, dịch vụ thậm chí là bán thành phẩm đang trên dây chuyền sản xuất.
Về phạm vi bán hàng gồm bán hàng ra bên ngoài doanh nghiệp và bán hàng trong nội bộ doanh nghiệp. Hàng hóa cung cấp nhằm để thỏa mãn nhu cầu của các tổ chức kinh tế khác, các cá nhân bên ngoài công ty, Tổng công ty hoặc các tập đoàn sản xuất gọi là bán cho bên ngoài. Hàng hóa cung cấp giữa các đơn vị trong cùng công ty, Tổng công ty, Tập đoàn,… được gọi là bán hàng nội bộ.
Công tác bán hàng có ý nghĩa hết sức to lớn. Doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bán hàng sẽ tạo điều kiện thu hồi vốn, bù đắp chi phí, tạo ra lợi nhuận để đầu tư phát triển tiếp, nâng cao đời sống của người lao động và thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Các phương thức bán hàng
Bán buôn hàng hóa được hiểu là phương thức bán hàng cho người mua trung gian để họ tiếp tục chuyển bán hoặc bán cho các nhà sản xuất, đại lý. Hàng hóa thường được bán buôn theo lô hoặc được bán với số lượng lớn. Sau bán buôn, hàng hóa vẫn nằm trong khâu lưu thông chưa bước vào tiêu dùng. Do không phải lưu kho, bảo quản nên giá bán rẻ hơn và doanh số thường cao hơn so với bán lẻ. Nó có ưu điểm là năng suất lao động cao, chi phí bán hàng ít, có thể tăng doanh số nhanh. Nhưng có nhược điểm là doanh nghiệp không có sự liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng nên không nắm rõ được thông tin từ người tiêu dùng. Trong bán buôn thường có hai phương thức:
+ Bán buôn hàng hóa qua kho
Là phương thức bán buôn mà hàng hóa được xuất từ kho bảo quản của doanh nghiệp. Bán buôn hàng hóa qua kho có thể được thực hiện dưới 2 hình thức:
- Theo hình thức giao hàng trực tiếp: Bên mua cử đại diện đến kho của bên bán để nhận hàng. Doanh nghiệp thương mại xuất kho hàng hóa, giao trực tiếp cho đại diện bên mua. Bên mua có thể thanh toán ngay hoặc chấp nhận thanh toán sau.
- Theo hình thức chuyển hàng: Doanh nghiệp thương mại xuất kho hàng hóa, dùng phương tiện của mình hoặc thuê ngoài, chuyển hàng cho bên mua. Chi phí vận chuyển ai chịu sẽ do thỏa thuận của hai bên. Nếu doanh nghiệp thương mại chịu thì sẽ được tính vào chi phí bán hàng. Nếu bên mua chịu thì sẽ phải thu tiền của bên mua.
+ Bán buôn hàng hóa vận chuyển thẳng.
Doanh nghiệp thương mại sau khi mua hàng, không đưa về nhập kho mà chuyển thằng cho bên mua. Phương thức này cũng có thể thực hiện theo hai hình thức là giao hàng trực tiếp hoặc chuyển hàng tương tự như bán buôn qua kho
Phương thức bán lẻ
Bán lẻ hàng hóa là bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc các đơn vị kinh tế sử dụng vào mục đích nào đó. Kết thúc quá trình, hàng hóa đã ra khỏi lưu thông và đi vào tiêu dùng. Vì phải qua khâu bán buôn, bảo quản, tốn kém chi phí bán hàng nên giá hàng bán lẻ cao hơn bán buôn, tăng doanh số chậm hơn nhưng có ưu điểm là doanh nghiệp nhận được thông tin trực tiếp từ khách hàng.
Doanh nghiệp thường được áp dụng các phương thức bán lẻ sau:
+ Bán hàng thu tiền tập trung.
Hình thức này tách rời nghiệp vụ thu tiền và giao hàng cho người mua. Nhân viên bán hàng giao hàng cho khách, khách hàng chưa trả tiền ngay mà thanh toán sau.
+ Bán lẻ thu tiền trực tiếp.
Nhân viên bán hàng, giao hàng cho khách và trực tiếp thu tiền của khách.
+ Bán lẻ tự phục vụ (tự chọn).
Khách hàng tự chọn lấy hàng hóa, mang đến bàn tính tiền và thanh toán tiền hàng. Nhân viên thu tiền kiểm hàng, tính tiền, lập hóa đơn bán hàng và thu tiền của khách hàng.
+ Bán hàng trả góp.
Theo hình thức này, người mua hàng được phép trả tiền mua hàng thành nhiều lần cho người bán. Ngoài số tiền thu theo giá bán thông thường, người bán còn thu thêm của người mua một khoản lãi do trả chậm. Doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu bán hàng theo giá bán trả ngay và ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính phần lãi trả chậm.
Các phương thức bán hàng khác
+ Phương thức hàng đổi hàng.
Là phương thức tiêu thụ mà trong đó người bán đem vật tư sản phẩm, hàng hóa của mình để đổi lấy vật tư, hàng hóa, sản phẩm của người mua. Nếu là trao đổi hàng hóa tương tự (không có chênh lệch giá trị trao đổi) thì không được coi là giao dịch tao doanh thu. Nếu là trao đổi hàng hóa không tương tự (có chênh lệch giá trị trao đổi) thì được coi là giao dịch tạo doanh thu, được ghi nhận lãi, lỗ.
+ Phương thức bán hàng đại lý, ký gửi.
Bán hàng đại lý, ký gửi là phương thức mà bên chủ hàng (bên bán giao đại lý) xuất hàng cho bên nhận đại lý, ký gửi (bên đại lý) để bán. Bên đại lý sẽ được hưởng thù lao dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
Đối với bên giao đại lý, hàng giao cho đơn vị đại lý vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và chưa xác nhận là đã bán. Doanh nghiệp chỉ hạch toán vào doanh thu khi nhận được tiền thanh toán của bên nhận đại lý hoặc được chấp nhận thanh toán. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).
Đối với bên nhận đại lý, số hàng nhận đại lý không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn, bán hộ. Số hoa hồng được hưởng là doanh thu trong hợp đồng bán hộ của doanh nghiệp. Khi nhận được tiền hoa hồng kế toán sẽ ghi nhận doanh thu.
Các phương thức thanh toán
Sau khi giao hàng cho bên mua và nhận được chấp nhận thanh toán; bên bán có thể nhận tiền hàng theo nhiều phương thức khác nhau, tùy thuộc vào sự tín nhiệm và sự thỏa thuận giữa hai bên mà lựa chọn các phương thức thanh toán cho phù hợp. Hiện nay, các doanh nghiệp thương mại có thể áp dụng hai phương thức thanh toán sau:
-
Thanh toán trực tiếp (thanh toán ngay):
Sau khi khách hàng nhận được hàng, khách hàng thanh toán ngay tiền cho doanh nghiệp thương mại có thể bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản hay thanh toán bằng hàng hóa (hàng đổi hàng).
-
Thanh toán trả chậm (thanh toán sau):
Khách hàng đã nhận được hàng nhưng chưa thanh toán tiền cho doanh nghiệp thương mại. Việc thanh toán chậm có thể thực hiện theo điều kiện tín dụng ưu đãi theo thỏa thuận. Chẳng hạn điều kiện “2/10,n/30”, có nghĩa là người mua phải thanh toán toàn bộ tiền hàng trong 30 ngày, nếu thanh toán trong 10 ngày đầu tiên kể từ ngày chấp nhận nợ, người mua sẽ được hưởng chiết khấu 2%. Nếu sau 30 ngày mà người mua vẫn chưa thanh toán nợ thì họ sẽ phải chịu lãi suất tín dụng.
Dịch vụ kế toán trọn gói, nếu có nhu cầu hay thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ HOTLINE: 0909.506.567