Tại nhiều quốc gia trên thế giới, KTQT đã được áp dụng một cách rộng rãi tại các doanh nghiệp và là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam thuật ngữ “KTQT” mới được công nhận trong Luật Kế toán 2003 và Luật Kế toán năm 2015. Vào năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng KTQT trong doanh nghiệp, đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng KTQT trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng KTQT vào công tác quản lý vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đúng mức, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp và vẫn còn một số hạn chế:
Một là, do các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên nguồn vốn còn hạn chế, trong khi để có một hệ thống kế toán tốt, đặc biệt là hệ thống KTQT nhằm cung cấp thông tin hữu hiệu cho nhà quản trị, các doanh nghiệp cần phải đầu tư một khoản phí không nhỏ để đào tạo nhân viên KTQT và các chi phí khác phục vụ cho việc áp dụng KTQT nên rất ít doanh nghiệp có khả năng đầu tư cho việc này hoặc nếu có thì luôn cân nhắc giữa chi phí đầu tư và hiệu quả mang lại của công tác KTQT, đây chính là một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chưa muốn áp dụng KTQT vào doanh nghiệp của mình.
Hai là, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về việc hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng KTQT (do Thông tư số 53/2006/TT-BTC chỉ mang tính hướng dẫn chứ không bắt buộc). Vì vậy, phần hành KTQT chưa có một vị trí độc lập trong doanh nghiệp, hoặc nếu có thì đa phần là sự kết hợp giữa KTQT với kế toán tài chính, KTQT ở mức độ sơ sài chỉ là chi tiết hóa số liệu của kế toán tài chính. Các thông tin kế toán trong doanh nghiệp vẫn chủ yếu là do các thông tin của kế toán tài chính cung cấp, mà về bản chất thì thông tin do kế toán tài chính cung cấp chủ yếu là phục vụ cho đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, còn thông tin KTQT thì cung cấp cho công tác quản trị nội bộ doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở các báo cáo bắt buộc theo quy định của pháp luật còn báo cáo quản trị phục vụ cho mục đích quản trị thì hầu như chưa được xây dựng.
Ba là, các doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là mới thành lập nên năng lực quản lý của các nhà quản trị còn hạn chế. Các quyết định thường bị chi phối bởi yếu tố cảm tính hơn là tuân thủ các nguyên tắc, kỹ năng, kiến thức quản trị, chưa sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực sẵn có cũng như xác định vai trò quan trọng của công tác KTQT (một số nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng KTQT có vai trò cung cấp thông tin cần thiết cho nhà quản trị trong việc xây dựng các chiến lược và ra các quyết định kinh doanh nhưng doanh nghiệp chưa có điều kiện để áp dụng, còn một số lại cho rằng KTQT không thực sự cần thiết vì đã có kế toán tài chính), dẫn đến các quyết định điều hành cũng như việc hoạch định chiến lược kinh doanh chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường và thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Bốn là, một số doanh nghiệp khởi nghiệp với mục tiêu giảm chi phí đã thực hiện giải pháp là thuê kế toán viên có nghiệp vụ giỏi làm ngoài giờ hoặc thuê những người có trình độ thấp với chi phí có thể chấp nhận được. Hoặc đội ngũ nhân viên kế toán với số lượng ít và hầu hết chỉ có kinh nghiệm về kế toán tài chính, còn kiến thức về KTQT chưa được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, dẫn tới bộ phận kế toán nói chung và KTQT nói riêng của doanh nghiệp mamh mún, kiến thức về KTQT chưa cao, hoạt động kém hiệu quả và thông tin cung cấp cho các nhà quản trị không kịp thời, chính xác để ra quyết định.
Năm là, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ tiến hành phân loại chi phí theo mục đích, nội dung kinh tế của chi phí phục vụ cho kế toán tài chính, còn việc phân loại chi phí phục vụ cho KTQT (phân loại chi phí theo ứng xử, phân loại chi phí sử dụng trong lập kế hoạch và ra quyết định,…) gần như chưa được quan tâm dẫn tới chưa phát huy được vai trò của KTQT trong công tác quản lý điều hành, kiểm soát chi phí và ra quyết định.
Sáu là, công tác xây dựng kế hoạch và lập dự toán ở các doanh nghiệp được lập ở dạng kế hoạch năm hoặc kế hoạch cho từng thương vụ và chỉ mang tính dự kiến các chi phí sẽ xảy ra trong tương lai, sau đó sẽ dùng dự toán làm thước đo mức độ hoàn thành kế hoạch chứ chưa được sử dụng như một công cụ quản lý kinh tế và việc này đều do bộ phận kế toán tài chính lập. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chỉ lập các dự toán để phục vụ cho việc lập dự toán tài chính, còn dự toán tổng thể (dự toán của tất cả các bộ phận trong doanh như bán hàng, sản xuất, nghiên cứu, marketing,…) chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó, do việc phân loại chi phí phục vụ cho KTQT chưa được quan tâm (không phân loại chi phí theo cách ứng xử) dẫn đến việc lập dự toán có tính khả thi không cao.
Tóm lại, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nói riêng chưa quan tâm hoặc ít chú ý tới việc tổ chức bộ máy KTQT của mình, cũng như hiểu rõ được tầm quan trọng của KTQT trong việc cung cấp các thông tin nhằm giúp nhà quản trị doanh nghiệp ra quyết định điều hành, từ đó dẫn tới các chiến lược kinh doanh và quản lý điều hành doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Hệ quả tất yếu là làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp.
Kết luận và khuyến nghị
Trong xu hướng hội nhập toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với đặc trưng rất dễ tổn thương trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong những năm đầu sau khi doanh nghiệp vừa hình thành do nguồn vốn và năng lực quản lý của các nhà quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi đó phải cạnh tranh với những đối thủ trong và ngoài nước có tiềm lực về vốn, được đào tạo bài bản về quản trị, có kinh nghiệm thương trường.
Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam muốn tồn tại, phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế – xã hội, các nhà quản trị doanh nghiệp phải dựa vào thông tin do KTQT cung cấp để hoạch định chiến lược và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp một cách tốt nhất. Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp không được trang bị những vũ khí này thì thất bại chỉ là một sớm một chiều, cho dù Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng KTQT trong các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa được phổ biến và các thông tin do KTQT cung cấp chưa được các nhà quản trị doanh nghiệp quan tâm.
Vì vậy, để KTQT trở thành công cụ hữu hiệu và cần thiết đối với nhà quản trị doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp sau: Các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách để phân định phạm vi giữa kế toán tài chính và KTQT; hướng dẫn tổ chức KTQT trong từng ngành, từng loại hình doanh nghiệp, để doanh nghiệp tham khảo, vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể; phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo và tổ chức nghề nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác KTQT tại doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KTQT cho doanh nghiệp và hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về KTQT; các nhà quản trị doanh nghiệp cần phải học hỏi kinh nghiệm và thay đổi cách nhìn nhận về KTQT; nâng cao kiến thức chuyên môn về KTQT cho bộ phận kế toán của doanh nghiệp và xây dựng hệ thống KTQT phù hợp với công tác quản lý, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,…
Nguồn tham khảo từ : tapchicongthuong